Lĩnh vực lần đầu tiên được xét trao tặng danh hiệu Sao Khuê đã đem đến những cái nhìn hấp dẫn về thị trường nông nghiệp thông minh. Cùng với đó, việc các sản phẩm ERP có số lượng tăng đột biến cho thấy, sau khủng hoảng, các doanh nghiệp đã chú trọng đến việc tối ưu hóa, áp dụng CNTT vào các quy trình quản lý.
Hấp dẫn trong lĩnh vực nông nghiệp
Mặc dù là lĩnh vực mới được đưa vào cơ cấu trao danh hiệu Sao Khuê năm nay, nhưng các sản phẩm phần mềm, dịch vụ phục vụ nông nghiệp đã gây được ấn tượng cho Hội đồng Chung tuyển cũng như các đoàn thẩm định. Đã có không ít cuộc tranh luận nảy lửa, “nâng lên hạ xuống” khi xem xét hồ sơ sản phẩm và nghe đoàn thẩm định thực tế báo cáo quanh lĩnh vực này.
Trả lời cho câu hỏi vì sao nông nghiệp thông minh lại được lựa chọn để xét trao danh hiệu năm nay, đại diện Ban tổ chức cho biết, việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực của đời sống xã hội là một xu thế tất yếu và cần được cổ vũ mạnh mẽ, đặc biệt là với nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Đây là con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để người nông dân tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, giúp nâng cao năng suất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Đây cũng chính là mục đích mà Sao Khuê 2015 hướng tới, nhằm kịp thời tôn vinh, cổ vũ, khuyến khích việc phát triển – ứng dụng các phần mềm, dịch vụ và giải pháp phục vụ cộng đồng hiệu quả trong lĩnh vực này.
Trở lại với lĩnh vực nông nghiệp thông minh trong khuôn khổ Danh hiệu Sao Khuê 2015, năm nay có 2 sản phẩm nổi bật, được Hội đồng Chung tuyển nhất trí trao danh hiệu Sao Khuê là Cổng thông tin nông nghiệp Agri.One của Trung tâm Giải pháp CNTT và Viễn thông Viettel (thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel) và Phần mềm Quản lý lợn giống (MPig) của Trung tâm phần mềm Viện Khoa học Thủy lợi (Thuộc Đại học Thủy lợi). Cả hai sản phẩm đều mang tính xã hội và chuyên ngành cao, nhận được sự đánh giá tốt từ Ban tổ chức.
Về sản phẩm Agri.One, mục tiêu của sản phẩm này là kết nối “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý – hiệp hội và các chuyên gia. Theo Trung tâm Giải pháp CNTT và Viễn thông Viettel, quan điểm của sản phẩm là lấy nhà nông là trung tâm, các giải pháp Agri.ONE đều xoay quanh lợi ích của người nông dân; cung cấp các thông tin kịp thời và chính xác từ vốn đến kỹ thuật canh tác, phân bón, thời tiết, dịch bệnh và giá cả đầu ra. Bởi là kênh thông tin nông nghiệp chính thống, mọi thông tin cung cấp cho bà con đều từ các cơ quan chuyên môn như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương, hay hiệp hội, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp… đưa ra, tạo nên tính tương tác cao.
Còn về sản phẩm MPig của Trung tâm phần mềm Viện Khoa học Thủy lợi, đây không còn là một giải pháp quản lý thông thường mà tích hợp nhiều quy trình nghiệp vụ liên quan đến chăn nuôi. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT cho biết: “Với MPig, lần đầu tiên ban tổ chức Sao Khuê phải thẩm định đến 2 lần. Lần đầu là các chuyên gia về công nghệ và lần thứ hai là các chuyên gia về nông nghiệp thông minh, xuống tận cơ sở triển khai giải pháp để tìm hiểu từ khách hàng”.
Th.s. Phạm Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, người trực tiếp xây dựng sản phẩm cho biết: “Giải pháp này được triển khai theo Chương trình Giống gốc của Bộ NN&PTNT và đang được sử dụng tại 13 trại lợn giống trên toàn quốc”. Ông Quý cũng cho biết, rất nhiều chuyên gia về chăn nuôi uy tín tại Việt Nam đã cùng tham gia tư vấn, xây dựng sản phẩm phù hợp với đặc thù của ngành chăn nuôi.
“Nếu triển khai đầy đủ các chức năng, phần mềm sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng, bởi họ có thể biết rõ được sản phẩm mình mua tại siêu thị được nuôi tại trại nào và nguồn gốc ra sao” – ông Quý cho biết.
Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam cũng hồ hởi cho biết: “Nét mới của Sao Khuê năm nay chính là nông nghiệp. Có thể có những sản phẩm còn “non” hay chưa phù hợp với tiêu chí giải, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy một xu hướng đang hình thành, đó là việc đưa các giải pháp CNTT gắn với viễn thông, gắn với tự động hóa… đến tận cơ sở nông nghiệp. Đã có những sản phẩm phần mềm đầu tiên ứng dụng tại các trại lợn giống trên cả nước, trong đó có những cơ sở rất quy mô với hơn 1.000 con lợn nái, mỗi năm xuất chuồng khoảng 300 con. Tại Việt Nam, chúng ta đã có rau hữu cơ có thể truy xuất nguồn gốc đến từng thửa ruộng, thì sắp tới cũng có thể biết được, miếng thịt trong siêu thị xuất phát từ trang trại nào, được chăm sóc với quy trình ra sao, hay xa hơn là nguồn gốc giống, hàm lượng dinh dưỡng… Hay như với cổng thông tin Agri.One – nơi có thể kết nối tất cả những người làm nông nghiệp”.
Đa dạng các sản phẩm cho doanh nghiệp lớn
Nếu như năm 2014, chỉ có 2 sản phẩm phần mềm quản lý doanh nghiệp lớn được vinh danh thì năm nay, con số này đã tăng lên 7.
Viettel góp mặt với 2 sản phẩm là Hệ thống quản trị và hoạch định nguồn lực doanh nghiệp ERP-ONE và Hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến (DMS.ONE).
DMSpro chiếm vị trí số một trong lĩnh vực này với 3 Giải pháp bán hàng trên thiết bị di động PDA; Giải pháp quản lý đội ngũ bán hàng ngoài thị trường E-route và Giải pháp đánh giá sự hiện diện và bao phủ của sản phẩm thông qua hình ảnh.
Các sản phẩm còn lại trong lĩnh vực này, bao gồm Hệ thống phần mềm Quản lý kỹ thuật nhà máy điện của Trung tâm Công nghệ Thông tin – Chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam và phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp Meliasoft 2016 của Công ty Cổ phần Phần mềm Meliasoft.
Sự gia tăng số lượng sản phẩm dành cho các doanh nghiệp lớn cho thấy thị trường này sau một thời gian trầm lắng đã bắt đầu sôi động trở lại với sự phục hồi của nền kinh tế cũng như xu hướng thị trường.
Đúng như các chuyên gia về công nghệ nhận định, sau khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ chú trọng đầu tư cho các giải pháp mang tính tổng thể, có thể thống kê, nhận định và đưa ra những dự báo thị trường.
Ông Trần Bá Kim Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm Meliasoft, một trong những đơn vị nhận được Danh hiệu Sao Khuê 2015 trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp lớn cho biết: “Vấn đề của các doanh nghiệp là quản lý năng suất lao động và họ gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát được thời gian làm việc (đóng góp) thực chất của người lao động đối với sản phẩm của đơn vị. Với những giải pháp chấm công truyền thống, vấn đề chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ. Bởi vậy, trong thời gian tới, những hệ thống ERP thực sự mạnh và phù hợp với thị trường Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường”.
Một điều dễ nhận thấy là, các sản phẩm dành cho doanh nghiệp lớn năm nay hầu hết đều được áp dụng những công nghệ hiện đại, bắt kịp với xu thế thị trường, mà như TS. Mai Liêm Trực, Chủ tịch Hội đồng Chung tuyển Sao Khuê 2015 nhận định: “Có thể nói, Sao Khuê 2015 đã đánh dấu sự bùng nổ của các công nghệ mới như Cloud, BigData”.
Theo NSS