Việt Nam – Miền đất hứa của dịch vụ xuất khẩu phần mềm những năm gần đây luôn giữ vững được mức tăng trưởng khả quan và vô cùng đều đặn. Vượt xa Ấn Độ và Trung Quốc, chúng ta đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng những nước cung cấp dịch vụ thuê ngoài tốt nhất trên thế giới (Gulf Times). Tuy nhiên, cũng chính sự tăng trưởng và cạnh tranh này đã khiến các công ty công nghệ đang bị buộc vào thế khó trong quản lý nhân sự.
Với lợi thế đông dân, giá nhân công rẻ, lực lượng tri thức ngày một lớn mạnh, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các công ty nước ngoài có nhu cầu làm dịch vụ phát triển phần mềm. Làn sóng Outsorcing tràn vào Việt Nam được 2 thập kỷ giúp mở ra cơ hội phát triển và bứt phá cho các doanh nghiệp cùng đội ngũ nhân lực công nghệ cao. Đến 80% các công ty công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam hiện tại đều chọn hướng phát triển này để nhanh chóng tăng lợi nhuận và cũng chính bởi vậy, nhu cầu kỹ sư CNTT đang ngày một trở nên cấp bách.
IT Outsorcing Việt Nam ngày một tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng (Ảnh minh họa)
Sự thật là bất kỳ công ty nào cũng phải đối mặt với việc chảy máu nhân sự, nhưng các công ty làm về CNTT, đặc biệt là IT Outsourcing lại cao hơn cả. Với số lượng công ty xuất khẩu phần mềm không ngừng mở rộng, nguồn cung cầu đang quá chênh lệch, thì chuyện các công ty làm mọi cách để “câu kéo” người tài cũng là điều dễ hiểu. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các nhân viên vốn chưa được vững chắc lại kèm thêm các yếu tố xúc tác bên ngoài càng làm cho thị trường nhân sự IT Outsourcing thêm hỗn loạn. Từ năm 2016, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng trung bình 47% một năm (Vietnamwork). Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam cần cung cấp gần 1,2 triệu nhân lực ngành CNTT để đáp ứng kịp tốc độ triển tuy nhiên hiện tại chỉ có thể đáp ứng được 58% so với nhu cầu thực tế.
Thị trường IT Outsourcing cùng đứng trước bài toán khó về nhân sự (TopDev)
Không chỉ đưa ra những đãi ngộ về lương thưởng, các doanh nghiệp cần phải có những hướng đi riêng trong việc xây dựng sự gắn kết giữa nhân viên và doanh nghiệp. Từ đó gia tăng tỷ lệ nhân viên ở lại với công ty. Đối mặt với thực tế hơn 60% nhân lực ngành CNTT luôn có ý định chuyển việc trong 6 tháng tiếp theo (Vietnamwork), chiến lược giữ chân người tài sao cho hiệu quả là cực kỳ cần thiết và các công ty IT Outsourcing cần lên ý tưởng ngay từ những ngày đầu thành lập.
Trong cuộc ganh đua này, những ông lớn như FPT Software, CMC Software,… trước tiên đã có lợi thế hơn cả nhờ sức mạnh thương hiệu. Riêng chỉ nói đến yếu tố thương hiệu doanh nghiệp cùng sự tăng trưởng đều về quy mô cũng như chất lượng các dự án đã là một sức hút mạnh giúp đội ngũ nhân lực muốn ở lại cống hiến và gắn bó lâu dài. Còn với những công ty có vốn đầu tư nước ngoài như CO-WELL Asia, Sun* hay Evolable thì việc tạo dựng sự gắn kết đó lại có phần khó khăn hơn.
Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là không thể tìm thấy lời giải đáp cho bài toán đó. Bên cạnh việc tích cực xây dựng và phát triển, các công ty tầm trung thường chú trọng nhiều hơn đến những hoạt động nội bộ tác động trực tiếp tới đội ngũ nhân viên, từ đó gây dựng nên sự gắn kết với doanh nghiệp. Sự gắn kết này tuy không được nhanh chóng như cách mà các ông lớn đã làm, nhưng trên thực tế thì nó lại là sợi dây vô cùng bền vững.
Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thường có những chiến lược giữ chân người tài rất riêng tạo nên đặc trưng của doanh nghiệp. Mang trong mình tinh thần của đất nước Nhật, CO-WELL Asia ngay từ những ngày đầu phát triển đã tập trung vào hoạt động đầu tư cho nhân viên ở mọi mặt. Khác với tận dụng, các nhân viên tại đây được chăm sóc, bồi dưỡng những kiến thức, kinh nghiệm và thậm chí là kỹ năng từ bước đi căn bản nhất. Chủ động đào tạo nội bộ, sở hữu cho mình đội ngũ nhân sự nòng cốt vững chắc, cách thức gắn kết nhân sự này chính là chiến lược giúp CO-WELL ngày một phát triển mạnh mẽ.
Các CO-WELLer thường xuyên được phát triển bản thân thông qua đào tạo nội bộ
Hiện nay ở Việt Nam, các Công ty Outsourcing cho thị trường Nhật Bản đang chiếm số lượng khá lớn. Bởi vậy thông thạo tiếng Nhật chính là yếu tố quan trọng mà đội ngũ nhân sự IT cần có song hành với năng lực kỹ thuật chuyên môn. Đã có nhiều doanh nghiệp tổ chức những lớp học tiếng Nhật cho nhân viên của mình, tuy nhiên việc thành lập hẳn một đội ngũ đào tạo tiếng Nhật dưới sự hỗ trợ của các thầy cô giáo người bản xứ là điều khó có nhiều công ty làm được như CO-WELL. Bên cạnh việc dạy ngoại ngữ, hoạt động đào tạo giúp các anh em nắm chắc tay nghề kỹ thuật cũng rất được lãnh đạo công ty quan tâm. Nghiệp vụ chuyên môn cứng, trình độ ngoại ngữ ngày một được phát triển đi kèm với đó là rất nhiều hoạt động nội bộ thường xuyên được tổ chức để nâng cao tinh thần cho các anh em. CO-WELL Asia là hình mẫu hoàn hảo của các công ty IT Outsourcing đang thực hiện tốt hoạt động chăm sóc nhân sự của mình.
Cách thức giữ người của CO-WELL đã mang đến những thành công nhất định
Tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” của nhân sự IT hiện nay là điều mà mọi doanh nghiệp đều đang phải đối mặt nhưng nếu doanh nghiệp có những chiến lược riêng độc đáo như trên thì việc giữ người không còn là điều bất khả thi. Dù phát triển mạnh như FPT Software hay đang trên đà phát triển lớn hơn như CO-WELL Asia, giữ chân người tài, tạo sự gắn bó thân thiết với doanh nghiệp vẫn là điều quan trọng nhất, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của công ty. Vì suy cho cùng, thì con người mới là nguồn lực cốt lõi của mọi tổ chức.
Theo NSS